Saturday, April 14, 2007

Nỗi buồn mang tên Hoàng kim giáp

Cuối cùng thì bộ phim nổi đình đám nhất TQ 2006 - Hoàng kim giáp (Curse of the golden flower) - cũng đã chính thức có mặt tại các rạp ở VN (từ ngày 16.3).

Bộ phim có kinh phí kỷ lục của điện ảnh Trung Hoa, do đạo diễn uy tín nhất (Trương Nghệ Mưu) thực hiện, với dàn diễn viên đáng chú ý nhất (Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, Châu Kiệt Luân, Lưu Diệp, Lý Mạn...) đã làm hoa mắt khán giả.

Người xem hoa mắt bởi cung điện tráng lệ rộng thênh thang; bởi tầng tầng lớp lớp mỹ nữ thịt da trắng nõn; bởi ngọc ngà châu báu trải dài chốn hoàng cung; bởi thiên binh vạn tướng áo giáp dát vàng, gươm đao tua tủa; bởi thảm hoa cúc vàng vương giả tràn ngập sân đại điện... Người xem cũng hoa mắt, thắt lòng bởi phía sau sự phồn vinh đến thừa mứa ấy là những âm mưu đồi bại nhất: hoàng đế đầu độc hoàng hậu, hoàng hậu dan díu với con riêng của chồng; ý đồ phản trắc lật đổ vương triều của hoàng hậu cùng nhị hoàng tử; mưu toan ám sát huynh trưởng, bức tử phụ thân nhường ngôi cho mình của tam hoàng tử...

Một bộ phim công phu và tốn kém, rốt cuộc chỉ để lại nỗi ám ảnh bởi những cánh hoa cúc vàng nhuốm máu, rơi lả tả. Hoa và máu - tấn bi kịch dát vàng đã làm tan nát tình yêu của cả triệu người yêu cái tinh tế, sâu sắc, đầy tính nhân văn của điện ảnh châu Á nói chung và của Trương Nghệ Mưu nói riêng.

Trương Nghệ Mưu vẫn cho thấy khả năng chiêu mộ anh hào, tạo nên những làn sóng tò mò, chờ đợi nơi người xem, tài dàn dựng nên những đại cảnh hoành tráng cũng như những tiểu tiết tinh xảo, đẹp mắt nhất... Các nhà làm phim châu Á ngày nay đã chứng minh được mình cũng “dữ dội” chẳng thua gì các nhà làm phim Hollywood. Nhưng phần lớn khán giả phương Đông xem những hoành tráng kiểu Vô cực (Trần Khải Ca), Dạ yến (Phùng Tiểu Cương), Hoàng kim giáp (Trương Nghệ Mưu)... bỗng thấy như “không còn là mình”.

Giới báo chí nhận định sức hút của Hoàng kim giáp ở Trung Quốc không phải là từ bản thân tác phẩm, mà nhờ vào sự tái hợp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi, cùng với sự tham gia của ngôi sao ca nhạc Đài Loan Châu Kiệt Luân.

Học giả Thôi Vệ Bình cho rằng “Hoàng kim giáp là một siêu phẩm... bất bình thường” khi đổ một khoản chi phí rất lớn vào tạo vỏ bọc thật mỹ miều, nặng về hiệu quả thị giác trong khi “nội dung lại rỗng”. Nhà phê bình điện ảnh Quang Trư cũng đã có một bài viết sắc sảo về Hoàng kim giáp trên Tân Kinh Báo: “Về hình thức, Hoàng kim giáp rực rỡ hơn, qui mô hơn Dạ yến nhưng lại vung tay quá mức, khiến người xem cảm giác Trương Nghệ Mưu đang “chơi nổi”.

Về nội dung, Hoàng kim giáp “có chuyện” hơn Anh hùng và Thập diện mai phục, song những điều Trương Nghệ Mưu kể chưa đánh động vào xúc cảm của công chúng. Còn nếu đưa Hoàng kim giáp so sánh với Ngọa hổ tàng long thì rõ ràng không thể đứng ngang hàng vì Trương Nghệ Mưu chưa đạt đến cảnh giới tinh thần như Lý An”.

Đối với khán giả, Hoàng kim giáp không phải là bộ phim dở, nếu không nói là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chưa xem, chưa từng biết đến vở kịch Lôi vũ của Tào Ngu sẽ rất khó cảm và hiểu được nội dung phim. Còn một yếu tố gây phản tác dụng của Hoàng kim giáp chính là trang phục của các nhân vật nữ khi ngực của họ được “đẩy” lên đến mức kỳ dị. Đó cũng được xem lý do khiến Hoàng kim giáp đánh mất giải thiết kế trang phục tại giải Oscar lần 79 vừa qua.

credit : www.laodong.com.vn
post by GAJINGKE - dienanh.net

No comments:


Free Counter